Kỳ Vọng từ cha mẹ : Động lực hay áp lực cho con
Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng cùng với sự phát triển xã hội, cuộc sống càng hiện đại, công nghệ càng tân tiến.Vì vậy, con người càng phải đối diện nhiều áp lực. Trong đó áp lực học tập từ cha mẹ lên các con đang trở nên phổ biến.
Tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do áp lực học tập, cuộc sống gia đình, mâu thuẫn với bạn bè, tâm lý tuổi mới lớn.
Nhiều bậc cha mẹ đã đặt quá nhiều kỳ vọng cũng như áp lực học tập nặng nề lên các con của mình. Điều này, vô tình để lại những hậu quả thương xót không đáng có.
Vậy hôm nay, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu những vấn đề xung quanh áp lực học tập của con cái. Để hiểu hơn về các con, giúp các cha mẹ đồng hành cùng con lớn khôn nhé!
Tình trạng cha mẹ đặt áp lực học tập lên con
Mỗi bạn học sinh khi cắp sách đến trường thì ba mẹ và người thân đều muốn con của mình học giỏi có thành tích cao. Nhiều bố mẹ hiện nay, có suy nghĩ rằng phải học giỏi thì mới đỗ đại học và có được một công việc tốt trong tương lai.
Chính vì những quan niệm này, vô tình đã làm cho nhiều bạn cảm thấy căng thẳng. Khoảng thời gian áp lực nhất là vào các kỳ thi cuối kỳ hay chuyển cấp, tốt nghiệp hay thi tuyển vào đại học.
Các con bị tạo áp lực học tập đang ngày càng gia tăng. Các con đã không còn được tự do vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Không còn được làm những việc theo đúng sở thích. Thay vào đó là thời gian của các con chỉ dành cho việc học mà thôi.
Ngoài giờ học trên lớp thì phải học thêm nhiều môn, những đòi hỏi của bố mẹ làm các con trở nên căng thẳng. Hằng ngày, cứ diễn ra như một cỗ máy, kết thúc học ở trường sẽ phải học thêm cho đến tối. Vừa về đến nhà cũng đã muộn chỉ kịp bỏ cặp xuống rồi vội lao vào bàn học tiếp cho bài của ngày hôm sau.
Nguồn: Tuyển sinh số
Thời gian nghỉ ngơi không có, không ăn uống đầy đủ, tình trạng mệt mỏi. Nếu hôm nào mà có bài kiểm tra hay thi học kì thì các con phải thức đến một, hai giờ sáng để học thuộc bài. Có nhiều bạn cũng vì thức quá khuya đã dẫn đến bị cận thị, có thể thấy trong một lớp học có rất nhiều bạn phải đeo kính.
Cứ như vậy trung bình một ngày bọn trẻ chỉ ngủ năm đến sáu tiếng. Áp lực học tập ngày càng lớn ép các con vào đường cùng khiến cho các con trở nên nghẹt thở.
Lý do cha mẹ tạo áp lực học tập cho con
Chúng ta không thể đánh đồng tất cả bố mẹ đều tạo áp lực và bắt ép các con mình phải học tập căng thẳng. Tuy nhiên, thực trạng này luôn tồn tại và có xu hướng tăng dần theo quá trình phát triển của xã hội. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như sau:
Bố mẹ mong muốn con có một tương lai tươi sáng, việc học sẽ là hành trang vững chắc nhất cho các con sau này. Nhiều cha mẹ luôn mong ước con mình thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu, sau đó làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Để đạt được những mong ước đó, trẻ phải học hành tốt trong các năm học.
Bố mẹ muốn con là niềm tự hào, hãnh diện của gia đình với mọi người. Đương nhiên, việc con có thành tích cao trong học tập khiến nhiều bậc cha mẹ khác phải ngưỡng mộ là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn, phải không nào?
Học theo phong trào. Nhiều bậc phụ huynh cho con học đàn, học hát, học nhảy hoặc lịch học thêm dày đặc như những phụ huynh khác. Thực chất, nhiều phụ huynh chưa ý thức được lợi ích thực sự của việc học đó là gì, có cần thiết hay phù hợp với con mình hay không.
Cảm xúc của con cái khi bị tạo áp lực
Con cái được cha mẹ sinh ra, được dạy dỗ và phụ thuộc vào cha mẹ nên khó để bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình. Chưa kể, cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, bắt con học cũng chỉ vì tương lai của con. Các con không có cơ hội nói lên cảm nhận của chính mình. Chính vì lẽ đó, các em đa phần đều sống theo sự áp đặt của cha mẹ.
Việc tạo áp lực học tập như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con cái, dễ tạo tâm lý uất ức, mệt mỏi, lầm lì. Ở độ tuổi này, suy nghĩ của các em vẫn còn non nớt nên rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Ảnh hưởng xấu đến quá trình tôi luyện tính cách cũng như suy nghĩ sai lệch cho các em sau này.
Tạo áp lực học tập cho con đúng hay sai?
Về mặt tích cực:
Áp lực thường sẽ là động lực cho sự cố gắng, nỗ lực của bản thân để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Nếu bố mẹ tạo áp lực học tập một cách phù hợp thì điều này rất quan trọng.
Để con trẻ có động lực và thấy niềm vui và tập trung vào việc học. Việc đặt áp lực vừa phải vừa giúp con có thể đạt được mục tiêu, trẻ được làm công việc, được học môn học mình yêu thích, hứng thú và bản thân con bạn sẽ có thêm động lực học tập.
Về mặt tiêu cực:
Nguồn: Báo Thanh niên
Việc tạo áp lực không lành mạnh bắt nguồn từ nhu cầu, mong muốn của ba mẹ buộc con làm những gì mà họ kỳ vọng. Hiện nay, tại Việt Nam bố mẹ luôn đầu tư cho con theo học tại các trường hàng đầu mà trước đây bản thân không có khả năng theo học.
Luôn mong muốn con có thể đỗ vào các trường đại học danh giá, hàng đầu để sau này ra trường có công việc ổn định lương cao. Có thể, đó chỉ là mong muốn của bố mẹ chứ con cái không thực sự yêu thích điều đó.
Hậu quả của việc tạo áp lực học tập
Trẻ luôn có sự tham vọng chiến thắng bạn bè trong kết quả học tập, luôn lo lắng bị điểm kém hơn, sợ bị so sánh với các bạn khác. Điều này khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, lo lắng.
Phấn đấu để có kiến thức tốt sẽ là động lực cho trẻ nhưng phấn đấu để có vị trí cao trong lớp và lúc nào cũng hoang mang lo sợ không giữ được vị trí, thành tích này. Điều này cũng khiến tâm lý trẻ bị gánh nặng.
Gia tăng lo âu, căng thẳng
Trạng thái lúc nào cũng căng thẳng, thêm với việc tập trung cho việc học mà xem nhẹ các hoạt động ngoại khóa, chương trình giải trí sẽ tác động không tốt đến thần kinh của trẻ.
Trẻ ngày càng có cảm giác tiêu cực với học tập đem đến thành tích học tập sa sút hơn, thậm trí trẻ sẽ mắc chứng bệnh trầm cảm, lo âu hoặc có thể có những suy nghĩ tiêu cực như là tự tử.
Có thể nói, áp lực học tập gây quá tải cho cơ thể của con bạn khi mà chúng đang phát triển. Bên cạnh đó con bạn cũng có thể mắc nhiều bệnh như: đau dạ dày, tiêu chảy, đau đầu,… Nhiều bạn còn ghét đến trường, ghét học tập. Khi bố mẹ càng cố ép con chúng sẽ nảy sinh suy nghĩ phản kháng và né tránh.
Luôn nghĩ tiêu cực về bản thân
Những đứa trẻ bị bố mẹ áp đặt quá nhiều áp lực từ những việc can thiệp quá mức khiến trẻ có khả năng cao mắc chứng trầm cảm, giảm tính tự chủ và có biểu hiện không thích cuộc sống này. Chính vì vậy, cách nuôi dạy trẻ theo cách kiểm soát này đã làm giảm quá trình nhận thức về bản thân và sự tự tin của con bạn.
Con trẻ có thái độ bất cần và sẵn sàng buông bỏ mọi thứ
Khi áp lực đã đạt đến mức độ trẻ không thể chịu được nữa, chúng sẽ có xu hướng buông bỏ tất cả mọi thứ và trở nên bất cần. Đến lúc này, mọi sự áp lực từ bố mẹ dường như không có tác dụng với con. Trẻ sẽ phản ứng lại với bố mẹ gây nên những cảm xúc tiêu cực.
Bố mẹ đặt áp lực học tập quá mức lên con. Đặc biệt trẻ trong giai đoạn tiểu học có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể hủy hoại chuyện học tập của con bạn khi bộ não của chúng bị căng thẳng quá mức. Điều bạn cần làm đó là cần phải thay đổi quan niệm của bản thân mình, đừng tự mình biến cuộc sống của con bạn mệt mỏi.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
Biện pháp giúp con học tập hiệu quả
Các bậc cha mẹ hãy luôn thật gần gũi với các con để lắng nghe tâm nguyện của các con. Dù việc học rất quan trọng với các con, là bước đệm cho tương lai sau này. Những việc tạo áp lực cho con cái quả là điều không nên.
Thay vì bắt ép các con học thật nhiều để cha mẹ có thể yên tâm, chúng ta có thể:
Tìm hiểu về khả năng của con và những sở trường, để giúp con phát huy được năng lực và trí tuệ của con. Nhiều bậc cha mẹ thường không quan tâm những sở trường của con, mà bắt trẻ phải học tập theo mong muốn của mình. Điều này không hẳn là tốt vì nếu như các em không thích, chúng sẽ không thể làm tốt việc đó được.
Bố mẹ nên cân bằng giữa việc học và chơi.
Khi phải thu nạp lượng kiến thức lớn thời gian dài, não bộ sẽ bị quá tải và khả năng tiếp nhận thông tin sẽ kém đi, căng thẳng. Việc cân bằng giữa học và chơi sẽ giúp các con thư giãn và có khả năng tiếp thu kiến thức được tốt hơn.
Nên lắng nghe ý nguyện bằng cách tâm sự với con. Hãy là những bậc cha mẹ tâm lý, chúng ta nên dành thời gian để tâm sự với các con để có thể thấu hiểu được những ý nghĩ bên trong trẻ. Từ đó, chúng ta mới có thể giúp các con định hướng được những nhận thức đúng đắn. Để các con tự cố gắng phấn đấu học tập mà không phải do quá trình thúc ép.
Một phương pháp giáo dục khéo léo, sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ hơn nhiều lời nói có tính chất chỉ định. Hãy điều chỉnh ngay từ hôm nay, để con bạn có được môi trường học tập tốt nhất và có được tương lai tốt đẹp.
Hy vọng, bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh cảm nhận được về tâm lý của các con trong quá trình học tập căng thẳng. Cũng như trở thành những người bạn thân nhất trong mắt con cái. Hãy xây dựng gia đình trở thành mái ấm yêu thương và thấu hiểu cho con cái thay vì đặt lên vai con những áp lực vô hình!