MẸ RÙA MAY MẮN
Bạn đang xem chuyên mục Câu Chuyện Mỗi Ngày. Kỳ này, Blog Xanh trân trọng kính mời Quý vị và khán giả theo dõi câu chuyện “Mẹ Rùa may mắn”. Chúng tôi hy vọng thông qua câu chuyện này có thể lan tỏa đến Quý vị tình yêu thương đồng loại, bảo vệ môi trường và khơi dậy tinh thần sống xanh tích cực hơn mỗi ngày.
__________________
Xin chào các bạn, tớ là Rùa con, sống cùng mẹ và các anh chị em tại một vùng biển vắng trong xanh, mát lành. Ngày tớ chào đời cũng là ngày mẹ trải qua rất nhiều biến cố. Mẹ tớ kể lại:
- Các con à, vậy là đã tròn một năm các con của mẹ được sinh ra đời. Mẹ còn nhớ, mới năm trước đây thôi, các con vẫn còn trong bụng mẹ. Mẹ còn nhớ, khi đó mang thai các con nên người rất nặng nề nhưng mẹ phải đi kiếm thức ăn ở rất xa.
Đại dương khi đó thực sự đã bị bao phủ bởi rác thải do con người gây ra nên việc kiếm tìm thức ăn rất khó khăn. Khắp nơi trên biển đều có rác thải, nào là nhựa, nào là rác thải sinh hoạt do con người vứt xuống, nào là váng dầu cứ tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau khiến mẹ phải di chuyển một cách khó nhọc. Không chỉ vậy, trong lòng đại dương còn có tích tụ những bãi rác ngầm trong các hang san hô. Có những bãi rác cao tới vài mét.
Mỗi khi thuỷ triều rút xuống, nó lại lộ ra khiến tất cả mọi người đều cảm thấy sợ hãi. Những nhà có con nhỏ đều nghiêm cấm các con của họ đến khu vực biển này. Nhưng khi đó mẹ không còn lựa chọn nào khác ngoài cố gắng hết sức để tìm kiếm nguồn thức ăn để các con ra đời được khoẻ mạnh. Trong một lần mẹ lại gần khu đó, mẹ đã không may sa vào một bãi rác ngầm gần đám san hô đã chết khô. Mẹ bị mắc phải một bụi lưới đánh cá, hai chân sau bị lưới cuốn không thể thoát ra nổi. Mẹ cố gắng vẫy vùng để thoát khỏi đó vì mẹ biết nếu kẹt lại ở đó quá lâu, mẹ sẽ không đủ sức để quay trở về nhà nữa và các con sẽ gặp nguy hiểm.
Mọi người đều rất lo lắng và sợ hãi khi tưởng tượng ra khung cảnh khi đó đáng sợ đến mức nào. Mẹ tớ nói:
- Khi đó, mẹ đã lấy hết sức để tháo gỡ chân khỏi tấm lưới đó, mẹ dùng hết sức bình sinh mới bật ra được. Nhưng thật không may, khi bật ra được thì mẹ va phải một ụ rác lớn. Mẹ bị nó đổ ụp lên người và một chiếc ông hút đã thuận đường cắm sâu vào mũi mẹ không thể nào lấy ra nổi. Mẹ thử mọi cách từ dùng dụng cụ gắp cho đến nhờ bác sĩ Cá ngựa để giúp đỡ nhưng không thể nào gắp được nó ra.
Bé Rùa em khóc thút thít:
- Mẹ ơi, chắc là mẹ đau lắm đúng không ạ?
Mẹ tớ vuốt ve bé Rùa em và nói với mọi người:
- Khi đó mẹ đau đớn lắm các con ạ! Vì bị chiếc ống hút đó cắm vào mũi nên việc hô hấp rất khó khăn. Mẹ cảm thấy rất sợ hãi và có một vài ngày do mệt quá mà mẹ không kiếm được chút thức ăn nào. Mũi mẹ không ngừng chảy máu, mẹ cảm giác như đang có hàng vạn mũi kim thọc sâu vào bên trong mũi vậy. Bác sĩ Cá ngựa ngày nào cũng tới kiểm tra mẹ nhưng không cách nào lấy nó ra được, chỉ có thể giúp mẹ cầm máu và cho một ít thuốc để uống. Những lúc như vậy, mẹ chỉ có thể sống nhờ vào chút thức ăn ít ỏi được mọi người cứu trợ cho qua ngày. Gần đến ngày sinh, mẹ thấy toàn thân đau nhức, chiếc ống hút như mỗi lúc càng cắm sâu hơn khiến mẹ vô cùng đau đớn và mệt mỏi. Mẹ nghĩ mình không qua khỏi nên đã nhờ cô Rùa đưa mẹ lên bờ để tìm kiếm nơi an toàn nhất sinh các con.
Bé Rùa em lại thắc mắc:
- Mẹ ơi, tại sao mẹ không sinh chúng con ở nhà luôn ạ? Như vậy mẹ vừa có thể chăm sóc chúng con lại vừa có thể dưỡng sức mà.
Tôi trêu em:
-Em ngốc thật đấy! Trứng của họ nhà Rùa chúng mình phải nhờ ánh nắng ấm áp của bác Mặt Trời mới có thể nở thành con được.
Mẹ tôi cười, tay xoa đầu bé Rùa em và nói:
- Chị con nói đúng rồi đó. Cô Rùa cũng đang mang thai nên chỉ đưa mẹ đến mép nước và phải quay trở lại biển để tìm thức ăn. Mẹ tiến vào bờ và đào một cái hang thật lớn để đặt các con vào đó. Mẹ cảm thấy thật sự kiệt sức và khó thở vô cùng. Sau khi sinh các con xong mẹ đã ngất đi và không biết chuyện gì xảy ra nữa.
Khi mẹ tỉnh lại thì thấy xung quanh mình là rất nhiều con người. Thật may mắn vì đó là đội bảo tồn động vật biển. Có lẽ khi họ đi tuần tra dọc bờ biển đã phát hiện ra mẹ đang ngất nên đã kịp thời cứu chữa. Một người trong số họ đã phát hiện ra trong mũi mẹ có chiếc ống hút. Họ dùng một chiếc kẹp dài và mảnh để lấy nó ra khỏi mũi mẹ. Dù rất đau đớn và bị chảy máu nhưng cuối cùng mẹ cũng đã được thở bình thường. Mẹ còn được họ kiểm tra sức khoẻ và làm các thao tác để giúp mẹ hồi sức nhanh hơn nữa.
Sau khi mẹ cảm thấy tốt hơn, họ cũng di chuyển đến những nơi khác để kịp thời cứu giúp những cô Rùa khác đang đến kỳ sinh nở như mẹ. Mẹ lấp cát vào ổ của các con và trở về biển khi chiều buông xuống. Ngày ngày mẹ vẫn bơi đến gần mép nước để xem các con như thế nào. Và cuối cùng thì các con cũng chào đời và trở về biển cùng với mẹ.
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói với mẹ:
- Chúng ta phải cảm ơn những con người thật nhiều mẹ nhỉ. Dù có những người vô ý thức xả rác ra biển khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng cũng có người giúp đỡ những động vật biển. Con nghĩ rằng với sự giúp đỡ của họ, môi trường biển sẽ sớm được sạch sẽ và những loài sinh vật như nhà ta cũng sống khỏe mạnh hơn phải không mẹ?
Mẹ ôm lấy chúng tôi rồi cười:
- Đúng rồi, các con yêu của mẹ. Mẹ rất vui vì các con đã nghĩ được như thế. Mẹ tin rằng vùng biển này sẽ sớm trở lại xanh trong và an toàn cho tất cả chúng ta.
________________
Như vậy, thông qua câu chuyện được kể, chúng ta có thể thấy tình trạng rác thải nhựa trong các biển và đại dương hiện nay. Rác thải nhựa không chỉ khiến môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, phá huỷ môi sinh mà còn gây hại đến các loài sinh vật khiến chúng mất đi mạng sống. Ngoài ra, những loại rác thải nhựa khi đã tích tụ trong lòng đại dương lâu dần trở thành những bãi rác ngầm, tích tụ những chất độc nguy hiểm. Mỗi chúng ta, hãy chung tay hành động như những thành viên trong đội cứu hộ kia, cùng hạn chế rác thải nhựa, thu gom, tái chế rác trên biển và bảo vệ các loài sinh vật biển. Mỗi hành động nhỏ bé của chúng ta sẽ tạo thành một cộng đồng lớn, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần vì môi trường. Hãy nhớ “Hạn chế rác thải nhựa vì một đại dương xanh và an toàn” bạn nhé!